Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân trong Tỉnh đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực triển khai khẩn trương, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Được sự thống nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và có điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của Tỉnh, như sau:
1. Thống nhất quan điểm, nguyên tắc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể Nhân dân trong Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo và Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; từng bước khôi phục sản xuất và thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội.
2. Thống nhất áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 12 giờ 00 phút, ngày 02 tháng 10 năm 2021 cho đến khi có văn bản chỉ đạo mới (trừ các khu vực, địa phương đang thực hiện phong tỏa hoặc thiết lập cách ly y tế), cụ thể:
a) Các biện pháp bắt buộc chung:
- Đối với cá nhân: thực hiện nghiêm quy định “5K” (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo y tế); người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để được xét nghiệm và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.
- Đối với tổ chức, đơn vị: thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn của Bộ Y tế, đăng ký, cập nhật, tự đánh giá thường xuyên thông tin trên hệ thống antoancovid.vn.
- Đối với chính quyền: tăng cường các biện pháp giám sát dịch trên địa bàn quản lý; rà soát, bố trí các chốt kiểm soát, đảm bảo kiểm soát chặt người và phương tiện (thủy, bộ) ra vào Tỉnh; tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch.
- Tiếp tục thực hiện quy định người dân không ra đường kể từ 20 giờ 00 phút ngày hôm trước đến 04 giờ 00 phút ngày hôm sau, trừ trường hợp: cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, lực lượng phòng chống thiên tai, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài, lực lượng phát hành thư, báo, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, bộ phận xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật, các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, các phương tiện đưa đón chuyên gia, công nhân tại các doanh nghiệp, phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas.
b) Các hoạt động tiếp tục tạm dừng:
- Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người (trên 20 người) tại nơi công cộng.
- Dừng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu như: cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc); khu vui chơi, giải trí; quán bar; karaoke; game; massage.
- Dừng hoạt động chợ đêm, chợ tự phát. - Dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng liên Tỉnh.
c) Các hoạt động được phép hoạt động, gồm:
- Hoạt động thể thao ngoài trời, các sự kiện tập trung, đám hỏi, cưới, tang được tổ chức nhưng không tập trung quá 20 người.
- Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo) được tổ chức nhưng không quá 30 người.
- Cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải tạm dừng được nêu tại điểm b mục 2) được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định, trong đó:
+ Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phục vụ khách tại chỗ nhưng phải thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch; bố trí 01 bàn không quá 04 người; khoảng cách giữa bàn với bàn tối thiểu 02m hoặc có vách ngăn (phục vụ không quá 50% công suất); không kinh doanh phục vụ tại chỗ các loại thức uống có cồn; khuyến khích bán hàng mang đi.
+ Riêng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống ven quốc lộ, các tuyến đường thuộc luồng xanh quốc gia không được kinh doanh phục vụ tại chỗ (chỉ được bán mang đi).
- Hoạt động của các chợ truyền thống: người dân được phát phiếu đi chợ không quá 15 lần/tháng, giao Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc phát phiếu, quản lý người đi chợ. Tổ chức, sắp xếp trật tự các quầy buôn bán tại các chợ; nghiêm cấm các xe chở hàng vào chợ. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
- Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công trình xây dựng hoạt động theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, phải có Kế hoạch "Phòng, chống dịch COVID-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp nghi mắc COVID-19 ". Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, chú trọng việc tự kiểm tra, nâng cao ý thức chấp hành của người lao động.
- Hoạt động giao thông vận tải:
+ Hoạt động vận tải hành khách nội Tỉnh được hoạt động nhưng không quá 50% số ghế quy định trên phương tiện, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định 5K.
+ Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội Tỉnh, liên Tỉnh phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
+ Hàng hóa được vận chuyển từ ngoài Tỉnh vào huyện, thị xã, thành phố phải có bãi trung chuyển, tập kết lên, xuống hàng; hàng hóa phải được khử khuẩn trước khi chuyển sang phương tiện khác vận chuyển vào địa bàn; lái xe khi vào bãi tập kết hàng hóa phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rut SARS-CoV-2 còn hiệu lực (không quá 72 giờ). Trường hợp đặc biệt vận chuyển hàng hóa đi thẳng vào địa bàn phải có địa chỉ cụ thể (có xác nhận hành trình điểm đi và điểm đến), được cấp thẩm quyền cho lưu thông, tài xế và người đi cùng không được xuống xe; có người giám sát dẫn đường, sau khi giao hàng xong phải quay về bãi tập kết hoặc nơi xuất phát.
+ Đối với lái xe và người đi cùng vận chuyển hàng hóa ra ngoài Tỉnh, khi về đến huyện, thị xã, thành phố phải đỗ xe và bố trí nơi ăn, nghỉ tại bãi tập kết, phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định.
- Hoạt động dạy và học chia thành 03 giai đoạn: (1) học trực tuyến, học trên truyền hình; (2) học một phần trực tiếp (trực tiếp và trực tuyến); (3) học trực tiếp. Cách thức tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương và cơ sở giáo dục đảm bảo hiệu quả, tuyệt đối an toàn.
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị chịu trách nhiệm sắp xếp bố trí tối đa không quá 70% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, họp trực tuyến, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
d) Quy định việc di chuyển qua lại giữa các địa bàn trong Tỉnh:
- Người dân trong Tỉnh được đi lại giữa các địa phương (trừ khu vực đang thực hiện phong tỏa hoặc thiết lập cách ly y tế) nhưng phải đảm bảo các biện pháp bắt buộc chung quy định tại điểm a mục 2 Công văn này.
- Trường hợp thật sự cần thiết phải vào khu vực đang thực hiện phong tỏa hoặc thiết lập cách ly y tế phải được Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các cấp cho phép.
- Việc di chuyển để thu hoạch, vận chuyển nông sản thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Gỡ bỏ các chốt chặn kiểm soát việc di chuyển giữa các địa bàn liên vùng xanh (liên xã, liên huyện).
đ) Quy định kiểm soát người ra, vào Tỉnh:
- Người dân không tự ý đi ra ngoài Tỉnh, trường hợp cấp bách phải được sự cho phép (bằng văn bản) của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo quy định được di chuyển ra, vào Tỉnh. Trường hợp khác phải được sự đồng ý (bằng văn bản) của Chủ tịch UBND tỉnh.
- Đối với các chuyên gia, công nhân, những người tham gia thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh: nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo quy định và có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực phải thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nơi làm việc, nơi lưu trú trong 07 ngày kể từ ngày đến/về địa phương, thực hiện quy định 5K, khai báo với cơ quan y tế (Trạm Y tế) để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và thực hiện xét nghiệm 02 lần vào ngày thứ 2 và ngày thứ 7. Người đứng đầu tổ chức tiếp nhận các chuyên gia, công nhân chịu trách nhiệm quản lý các đối tượng và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
- Đối với các nhà đầu tư đến làm việc tại tỉnh Hậu Giang phải có văn bản gửi đến UBND tỉnh trước và đảm bảo các điều kiện: tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo quy định; có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực; được bố trí ở và làm việc tại địa điểm lưu trú có phương án phòng, chống dịch theo quy định.
- Đối với người dân đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo quy định hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện) và có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực được vào Tỉnh nhưng khi đến/về địa phương phải thực hiện theo dõi sức khỏe tại nơi cách ly tập trung trong thời gian 07 ngày, thực hiện quy định 5K; thực hiện xét nghiệm 02 lần vào ngày thứ 2, ngày thứ 7, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 07 ngày.
- Trường hợp người chưa tiêm hoặc tiêm 01 liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc người đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung từ ngoài Tỉnh tự về, có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực thì phải cách ly tập trung 14 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung trong Tỉnh; thực hiện xét nghiệm 03 lần vào ngày thứ 2, ngày thứ 7 và ngày thứ 14, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú 14 ngày.
3. Đối với khu vực, địa phương đang thực hiện phong tỏa hoặc thiết lập cách ly y tế khi có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng: tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp cách ly y tế, “ai ở đâu thì ở yên đó” để phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 07 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 5 4. Sở Y tế:
- Có trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh có điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
- Tiếp tục phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức điều tra dịch tễ, xét nghiệm tầm soát bảo đảm kịp thời, khoa học, hiệu quả và tiết kiệm.
- Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc phân luồng, đảm bảo an toàn tuyệt đối, hạn chế đến mức tối đa trường hợp mắc COVID-19 đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế mà không được phát hiện. Bố trí đủ lực lượng, phân công kíp trực luân phiên, đảm bảo hoạt động 24/24 giờ để phục vụ khám, chữa bệnh thường xuyên cho người dân.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong Tỉnh triển khai đảm bảo chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 với phương châm “đúng đối tượng, an toàn nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất”.
- Hướng dẫn các đơn vị, địa phương có Kế hoạch mua sắm, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế, thuốc... phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn Tỉnh.
- Kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng y tế để đảm bảo sức khỏe, an tâm công tác, bám sát địa bàn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Động viên, tuyên dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch bệnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn người dân cài đặt App PC-COVID nhằm quản lý tốt công tác phòng, chống dịch như: cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; quét mã QR; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; phản ánh của người dân; thông tin tiêm vắc xin; thông tin xét nghiệm; thẻ Covid-19; truy vết tiếp xúc gần; mật độ di chuyển; xu hướng lây nhiễm; bản đồ nguy cơ,…
6. Sở Giao thông vận tải
- Hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ phương tiện, lái xe vận chuyển hàng hóa theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
- Phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
7. Công an tỉnh
- Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát, thiết lập, siết chặt việc kiểm soát tại các chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào Tỉnh (cả đường bộ và đường thủy); chỉ đạo phối hợp các lực lượng liên quan tiếp tục tuần tra, kiểm tra lưu động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý địa bàn, di biến động dân cư, khai báo tạm vắng, tạm trú; tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
- Tăng cường chỉ đạo công tác đảm bao an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn Tỉnh.
8. Sở Công Thương - Tiếp tục chỉ đạo đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tham mưu kịp thời hoạt động kết nối cung ứng, tiêu thụ hàng hoá, nông sản của người dân trong Tỉnh.
9. Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra các công trình xây dựng được phép hoạt động đảm bảo phương án phòng, chống dịch và chất lượng công trình theo quy định.
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp; phối hợp triển khai kế hoạch tổ chức đón công dân Hậu Giang trở về địa phương; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
11. Sở Giáo dục và Đào tạo: hướng dẫn các trường và học sinh tổ chức học trực tuyến, học trên truyền hình đảm bảo theo chương trình đào tạo. Chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho việc dạy và học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh theo từng giai đoạn.
12. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
13. UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng Phương án bảo vệ và duy trì “vùng xanh” bền vững; tổ chức triển khai quán triệt đầy đủ nội dung Công văn này đến từng địa bàn xã, phường, thị trấn, khu dân cư, ấp, khu vực và người dân được biết, thực hiện; tăng cường lực lượng, tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền; tiếp tục phát động phong trào giữ vững và nhân rộng các “vùng xanh” trên địa bàn; chủ động các biện pháp giám sát phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý, khi phát hiện có ổ dịch trong cộng đồng phải triển ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, dập dịch hiệu quả. Yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, tích cực vận động toàn dân hưởng ứng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả./.